banner
 
Home Page
vanhoc

 
Home
 
Saigon Bao.com
Saigon Bao 2.com
 
Liên Lạc - Contact
 
Liên Lạc - Contact
 
 
 
Tài Liệu
 
Tài liệu
Tài liệu Lưu trữ
Tin tức Lưu trữ
Nguyễn Quang Duy
 
Cần Thiết
 
Directory
 
Phụ Trang
 
Mobile Version
BaoThoiSu.com
BaoPhongSu.com
BaoTuDo.com
 
Disclaimer
SaigonBao.com
1999-2021 All rights reserved
 
 
 
Diem Bao industry lifestyle
 
 
 
 
 
 
Trang Nhà -Tài liệu Dân chủ - Lưu trữ 2007 -Tài liệu Lưu trữ
 
 

VIETNAM NEWS NETWORK (VNN)

P.O. Box 661162

Sacramento, CA 95866

Phone & Fax: 916-480-2724

Email: vnn@vnn-news.com

Website: www.vnn-news.com

 

**********************************
Bản Tin Hàng Ngày

Ngày 21 Tháng 08 Năm 2007

**********************************

 

1- Tin Cộng Ðồng 21-08-07.

- Ðồng Bào Houston Biểu Tình Chống Phái Ðoàn CSVN

- GHPGVNTN Lên Tiếng Về Việc Quyên Tiền Cho Ðại Học Khuông Việt Và Ðể Tổ Chức Lễ Phật Ðản 2008 Của Nhà cầm Quyền Hà Nội

- CSVN Huỷ Bỏ Ðiều Tra Truy Tố Doanh Nhân Mỹ Gốc Việt Hoan Nguyễn

 

2- Tin Việt Nam 21-08-07

- Tân Ðại Sứ Mỹ Trình Ủy Nhiệm Thư Lên Chủ Tịch Nhà Nước CSVN

- Thầy Giáo Chống Tiêu Cực, Con Bị Trù Dập Không Ðược Nhận Vào Trường Học

- Mỗi Năm CSVN Thất Thu 265 Triệu Ðôla Tiền Thuế Vì Thuốc Lá Lậu

- Nhiều Cây Hoàng Ðàn Ở Hà Nội Ðang Là Mục Tiêu Của "Lâm Tặc Thành Phố"

- Các Tỉnh Miền Nam Khan Hiếm Nhân Công Thu Hoạch Lúa

- Lửa Thiêu Rụi 25 Nhà Dân Ở Khu Chương Dương Ðộ

- Hà Nội Sẽ Có Thêm Nhiều Ðường Một Chiều

- Chuyện Lạ Việt Nam: Người Phụ Nữ Với Mái Tóc Dài 1,5M Nặng 5 Kg

- Xã Hội CSVN: Tắm "Ôm" Ðang Phát Triển Ở Biển Sầm Sơn

 

3- Tin Thế Giới 21-08-07

- Ba Tây: Tổng Thống Lula Ðưa Ra Kế Hoạch Chống Bạo Ðộng

- Nhiều Ðảo Xuất Hiện Trên Biển Arctic Do Tan Băng

- Mexico: Bán Ðảo Yucatan Hứng Chịu Bão Dean

- Hội Ðồng Bảo An Yêu Cầu Tổng Thư Ký LHQ Tăng Cường Lính Mũ Xanh Ðến Somali

- Venezuela Muốn Làm Trung Gian Trao Ðổi Tù Nhân Giữa Farc Và Chính Phủ Colombia

- Ấn Ðộ: Khủng Hoảng Chính Trị Do Hiệp Ước Hạt Nhân Với Mỹ

- Syria Kêu Gọi Iraq Thiết Lập Lịch Trình Rút Quân Ngoại Quốc

- Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Kêu Gọi Quân Ðội Không Nên Dính Líu Ðến Chính Trị

- Chính Phủ Tân Tây Lan Ðiều Tra Về Quần Áo Trung Quốc Gây Nguy Hiểm

- Trung Quốc Trả Tự Do Cho Nhà Dân Chủ Dương Kiến Lập Sau 5 Năm Tù

- Iraq: Chính Quyền Shiite Ðưa 15 Cộng Sự Viên Của Nhà Cựu Ðộc Tài Saddam Hussein Ra Xử

 

**********************************

 

1- Tin Cộng Ðồng 21-08-07.

 

- Ðồng Bào Houston Biểu Tình Chống Phái Ðoàn CSVN

 

(Houston - VNN) Lần đầu tiên 5 tên CSVN (núp dưới vỏ bọc doanh nhân) đến thành phố Houston, Tiểu Bang Texas Hoa Kỳ, mở cuộc hội thảo kinh tế dụ dỗ một số doanh gia Việt Mỹ về VN đầu tư. Họ công khai gửi thư mời những kẻ hám lợi đến tham dự bữa ăn do họ tổ chức tại International Center, số 11122 Bellaire Blvd, khu vực có đông người Việt sinh sống nhất và buôn bán sầm uất nhất ở Houston. Giá mỗi phần ăn $ 40.00. Nhóm doanh nhân giả hiệu nầy giấu diếm, chỉ đạt thư mời thực khách tới tham dự chỉ có 3 ngày với mục đích hạn chế thông tin, giảm khả năng huy động nhiều người biểu tình.

Tuy vậy, vào 8 giờ sáng ngày hôm qua 20/8/2007, đã có trên 200 đồng hương tại Houston đã tập trung biểu tình trước khu International Trade Center để phản đối phái đoàn thương mại do hai ông Trần Văn Liêu và Lê Việt Dũng cầm đầu, đến Houston để kêu gọi đầu tư tại Việt Nam.

Cuộc hội thảo dự liệu tổ chức tại một địa điểm trong khu thương mại Việt Nam, một nơi có đông người Việt cư ngụ, được xem là một hành động xem thường cộng đồng người Việt quốc gia Houston và cũng là một thách thức ý chí chống Cộng của tập thể người Việt tị nạn cộng sản tại Houston và Phụ cận. Với những nhận định nêu trên, Ủy Ban Phối Hợp Hành Ðộng Chống Cộng Sản Việt Nam tại Houston và Vùng Phụ Cận, gồm nhiều hội đoàn, tổ chức người Việt Quốc Gia đang hoạt động tại Houston đã được thành lập cấp thời để tổ chức cuộc biểu tình.

Cuộc biểu tình quy tụ hầu hết thành phần sinh hoạt đấu tranh quen thuộc trong cộng đồng, bao gồm các cơ quan truyền thông, báo chí, đại diện và thành viên các chánh đảng, tổ chức đấu tranh, và đồng hương tại Houston.

Vào khoảng 9 giờ sáng, ông quản lý của khu International Trade Center đã đến tiếp xúc với đoàn biểu tình và xác nhận là cuộc hội thảo của phái đoàn CSVN đã được huỷ bỏ. Khoảng 1 giờ đồng hồ sau đó, đoàn biểu tình đã tuần hành đến khu vực Tượng Ðài Chiến Sỹ Việt Mỹ. Tại đây, Ban Tổ Chức và một số nhân sĩ đã cùng phát biểu cảm tưởng về nỗ lực đấu tranh chống sự xâm nhập của CS.

Tuy có hạn chế về số lượng người tham dự vì rơi vào sáng ngày làm việc Thứ hai, không kịp thông tin (chỉ có 48 tiếng) nhưng cuộc biểu tình đã đạt được 3 thành quả lớn: Cộng Ðồng đoàn kết ở mức cao nhất, Phái đoàn mậu dịch CSVN, giờ chót phải huỷ bỏ cuộc hội thảo vì bị biểu tình đả đảo hăng quá, và những tên gian thương, Việt gian cũng lặn mất, không thấy bóng dáng đâu cả. Cuộc biểu tình đã kết thúc vào buổi trưa cùng ngày trong không khí đấu tranh đầy tình đoàn kết với lời hẹn cùng nhau "đánh" tiếp khi có lời của ban tổ chức kêu gọi..

 

* Quang cảnh đồng bào Houston (TX) biểu tình chống phái đoàn CSVN kêu gọi đầu tư.

 

=END=

 

- GHPGVNTN Lên Tiếng Về Việc Quyên Tiền Cho Ðại Học Khuông Việt Và Ðể Tổ Chức Lễ Phật Ðản 2008 Của Nhà cầm Quyền Hà Nội

 

(Paris-VNN) Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế (PTTPGQT) tại Paris hôm qua đã phổ biến một thông cáo báo chí đính chính việc lợi dụng danh nghĩa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất quyên tiền bất hợp pháp cho Ðại học Khuông Việt và để tổ chức Ðại lễ Phật Ðản 2008 của Nhà cầm quyền Hà Nội

Theo thông cáo, thời gian qua, PTTPGQT nhận được nhiều điện thoại và thư điện tử hỏi thăm việc có một số người nhân danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đi quyên góp tiền bạc cho cái gọi là xây dựng Viện Ðại học Khuông Việt tại Saigon và để tổ chức Ðại lễ Phật Ðản 2008 tại Hà Nội. PTTPGQT đã liên lạc thỉnh ý Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, GHPGVNTN, xem việc quyên góp nói trên có đến từ ch 911; trương hay chỉ thị của Viện Hóa Ðạo hay không.

Hòa thượng Thích Quảng Ðộ lấy làm ngạc nhiên trước các cuộc quyên góp tiếm danh Giáo hội nói trên và chỉ thị cho PTTPGQT lên tiếng phủ nhận việc quyên góp bất hợp pháp này. PTTPGQT xin được trả lời chung rằng:

Viện Hoá Ðạo, GHPGVNTN không hề có chủ trương quyên góp tiền bạc nhằm xây dựng Viện Ðại học Khuông Việt tại Saigon hay để tổ chức Ðại lễ Phật Ðản 2008 tại Hà Nội. Vì hai dự án này không thuộc thẩm quyền của GHPGVNTN, mà là chủ trương của Nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội. Theo thông báo chính thức của Hà Nội, thì nhà cầm quyền Cộng sản đã có công hàm chính thức đệ trình Ban Tổ chức Quốc tế Ðại lễ Phật Ðản LHQ tại Thái Lan xin đăng cai tổ chức Ðại lễ Phật Ðản 2008 tại Hà Nội. Như vậy, Ðại lễ Phật Ðản sẽ do Nhà nước Cộng sản tổ chức, chứ không do ý nguyện của quảng đại quần chúng Phật tử Việt Nam hay Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mong cầu. Nhất là trong hoàn cảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn chưa được quyền phục hoạt trên phương diện pháp lý. Mặc dù Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo Thích Quảng Ðộ không ngừng đòi hỏi từ trên ba mươi năm qua, cũng như công luận quốc tế hậu thuẫn yêu sách phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý này.

Về việc xây dựng Viện Ðại học Khuông Việt tại Saigon, thì theo các tin hành lang trong giới Phật giáo quốc nội thì đây là dự án của tổ chức Phật giáo Nhà nước, đã được nhà cầm quyền cấp đất và nằm dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục và Ðào tạo của Nhà nước. Vậy kính xin chư Phật tử xa gần cảnh giác việc tiếm quyền Giáo hội để quyên góp "gánh củi về rừng" này.

Mặt khác, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế cũng phản bác nguồn tin loan tải trong cộng đồng hải ngoại nói rằng Hòa thượng Thích Quảng Ðộ nhận lời làm "Cố vấn cho một đảng chính trị". Là bậc lãnh đạo Giáo hội và trong cương vị Tăng sĩ, theo giáo chế đạo Phật, Hòa thượng không chấp nhận bất cứ địa vị chính trị nào. Trong thực tế, Hòa thượng chưa hề chấp nhận một chức vụ nào hay tham gia các tổ chức hoặc đảng phái chính trị trong hay ngoài nước. Vậy sau khi thỉnh ý Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin phủ nhận các nguồn tin sai lạc loan tải gần đây trong Cộng đồng Người Việt ở nước ngoài nhằm gây hoang mang dư luận.

 

=END=

 

- CSVN Huỷ Bỏ Ðiều Tra Truy Tố Doanh Nhân Mỹ Gốc Việt Hoan Nguyễn

 

(Hoa Thịnh Ðốn-VNN) CSVN đã chính thức huỷ bỏ cuộc điều tra vụ ông Nguyễn Hoan, một doanh nhân người Mỹ gốc Việt bị bắt giữ suốt 14 tháng trời trong một vụ tranh chấp làm ăn về vấn đề quản trị một ngôi trường quốc tế do ông sáng lập tại Hà Nội. Một quyết định đưa ra từ Bộ công an đã cho biết như vậy.

Theo tờ The Wall Street Journal hôm 20-8, Bộ công an CSVN đã đưa ra quyết định cho biết như trên. Các viên chức nhà nước CSVN nói là ông Nguyễn Hoan bây giờ được tự do để rời Việt Nam, và đương nhiên là phải bỏ của lại để giữ thân an toàn. Cuộc điều tra vụ ông Nguyễn Hoan, một công dân Hoa Kỳ trở về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của ông ta để thiết lập một ngôi trường quốc tế với các đối tác của nhà nước CSVN vào năm 1996, đã được báo chí tại Hoa Kỳ tường trình và theo dõi từ hồi cuối năm qua.

cũng theo tờ The Wall Street Journal, những rắc rối của ông Nguyễn Hoan là một thí dụ điển hình cho thấy, sau hàng chục năm dưới sự cai trị của cộng sản, hệ thống luật pháp của Việt Nam không đủ khả năng để giải quyết các vụ tranh chấp làm ăn như ở các thị trường ổn định khác bởi các cơ quan luật pháp độc lập.

Ông Nguyễn Hoan đã bị bắt vào tháng 4 năm 2006 sau khi một đối tác nhà nước CSVN trong Trường Quốc tế Hà Nội tố cáo rằng ông đã xử dụng sai trái ngân khoản của trường. Luật pháp CSVN cho phép công an được giam giữ các nghi can trong khi họ đang bị điều tra. Từ đó, ông Nguyễn Hoan đã không bao giờ chính thức bị truy tố về bất cứ tội danh nào, và ông cũng đã bác bỏ rằng ông đã làm những điều sai trái.

Công an CSVN đã chính thức xóa bỏ việc cáo buộc ông Nguyễn Hoan trong một quyết định mới đây của Bộ công an đưa ra ngày 15/8. Trước đó, do sự lên tiếng can thiệp từ chính giới Hoa Kỳ, ông ta đã được thả ra khỏi tù hồi tháng 6-2007, nhưng vẫn bị ngăn cấm không được rời khỏi Việt Nam. Cơ quan CSVN đã từ chối không muốn nói gì về trường hợp của ông Nguyễn Hoan trong mấy ngày qua.

 

=END=

 

2- Tin Việt Nam 21-08-07

 

- Tân Ðại Sứ Mỹ Trình Ủy Nhiệm Thư Lên Chủ Tịch Nhà Nước CSVN

 

(Hà Nội - VNN) Tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Michael Michalak, đã chính thức trình ủy nhiệm thư lên Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nhà nước CSVN. Thông cáo báo chí của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết lễ trình quốc thư diễn ra hôm qua Thứ Hai 20/8/07 tại Phủ Chủ tịch. Nhà lãnh đạo CSVN đã hoan nghênh và chào mừng tân đại sứ Michalak và chúc ông thành công trong cương vị mới.

Theo bản tin của Thông tấn xã nhà nước CSVN, trong dịp này ông Nguyễn Minh Triết bày tỏ vui mừng về những tiến triển tích cực trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt ở các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học-kỹ thuật. Triết nói rằng, do điều kiện lịch sử, điều kiện phát triển khác nhau, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ hiện nay còn tồn tại những khác biệt, nhưng Triết tin rằng những khác biệt này sẽ được giải quyết thông qua đối thoại xây dựng, thẳng thắn.

Về phần tân đại sứ Michalak, ông cho biết việc tiến hành các vòng đối thoại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chứng tỏ quan hệ hai nước đang ngày càng phát triển và thể hiện sự tin cậy lẫn nhau. Ðại sứ Michalak khẳng định hình ảnh Việt Nam hiện được đánh giá cao ở Hoa Kỳ.

Theo thông cáo báo chí của đại sứ quán Mỹ ở Hà nội, ông Michael W. Michalak là một viên chức ngoại giao chuyên nghiệp với kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng về Châu Á. Ông đã tuyên thệ nhậm chức Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ngày 10/8/2007. Trước đó, Ðại sứ Michalak là Quan chức cao cấp của Hoa Kỳ tại APEC - Vụ Ðông Á và Thái Bình Dương.

Trong hơn 30 năm làm việc tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Michalak đã phục vụ tại Tokyo (Nhật Bản), Sydney (Úc), Islamabad (Pakistan), Bắc Kinh (Trung Quốc), cũng như tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, nơi ông được giao nhiệm vụ tại Vụ Ðông Á và Thái Bình Dương, Văn phòng các vấn đề Nhật Bản, Trung Quốc và Mông Cổ. Ông đã được nhận phần thưởng tập thể vì sự can đảm trong thời gian khủng hoảng khi Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Islamabad bị đốt.

Ông Michalak sinh trưởng tại Detroit, Michigan. Ông có bằng cử nhân vật lý tại Ðại học Oakland (Rochester, Michigan) và bằng thạc sỹ vật lý tại Ðại học Công giáo Mỹ (Washington, D.C.). Ngoài ra, ông còn có bằng thạc sỹ Quản lý công tại trường Quản lý John F. Kenedy thuộc Ðại học Harvard (Cambridge, Massachusetts). Ông nói được 3 thứ tiếng: Trung Quốc, Nhật và Pháp ngữ.

 

=END=

 

- Thầy Giáo Chống Tiêu Cực, Con Bị Trù Dập Không Ðược Nhận Vào Trường Học

 

 (Hà Tây-VNN) Con gái của thầy giáo Ðỗ Việt Khoa bị trù dập không được nhận vào trường học chỉ vì bố chống tiêu cực có tiếng dưới chế độ CSVN.

Ông Ðỗ Việt Khoa, một người thường được báo chí và người dân trong nước gần đây thân mật gọi là "thầy Khoa" được cả nước chú ý khi ông công khai lên tiếng, và công bố cả hình ảnh, video những chuyện gian lận trong kỳ thi tú tài tại trường Trung Học Phổ Thông Vân Tảo, Hà Tây năm 2006.

Hôm 17-8, thầy Khoa đã lên trang diễn đàn của Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo lên tiếng về vụ con gái ông không được nhận học. Ông cho biết hiệu phó trường Trung Học Cơ Sở Thường Tín đã rút lại lời nhận con gái ông vào học chỉ vì việc ông phanh phui chuyện tiêu cực trong trường. Ông kể rằng, Chị hiệu phó bạn ông nói là không thể nhận cháu vào trường được, vì trong buổi họp, các thầy cô giáo nói là "bố nó chống tiêu cực thế, nhận nó vào lỡ nay mai có chuyện gì, bố nó lại lôi ra thì chết!"

Ông cho biết, trước đó, hôm 25-7, ông đã nộp hồ sơ cho con gái dự tuyển vào lớp 6 trường THCS tại Thường Tín, và con ông đã được nhận vào.

Sau khi phải dấu kín tên cha, ngày hôm qua 20-8, vợ ông đã xin được cho em vào học trường Vân Tảo.

Trả lời phỏng vấn trong mấy ngày qua, ông Khoa kể lại câu chuyện như sau:

"Trước lúc đến đó, vợ chồng tôi đã cùng thống nhất là phải giấu biệt tên bố nó đi kẻo không người ta lại từ chối."

Vợ ông đã đưa con đến trường Vân Tảo. "Hiệu trưởng là thầy giáo cũ của tôi. Chiều Thứ Bảy, 18-8, vợ tôi đã dắt con gái đến. Thầy hiệu trưởng gắt: 'Sao bây giờ mới nộp, nhà trường xét tuyển xong 1 tuần rồi, làm sao xét riêng một mình con nhà cô được!' Năn nỉ, trình bày sự việc một lúc, thầy cũng đã nhận cháu vào."

Về việc con ông bị từ chối không cho vào học trước đó, ông Khoa cho kể như sau:

"Vì bạn lớp cháu đều xin vào đó nên cháu muốn vào cùng và tôi để vợ tôi đi nộp hồ sơ. Ðến cái đơn, cũng chỉ ghi tên mẹ cháu chứ không ghi tên tôi.

Nhà trường đã nhận khi không biết cháu là con tôi. Nhưng khi chia lớp, có người xem học bạ và đã nói cháu Ðỗ Hương Thảo là con ông Ðỗ Việt Khoa đấy, thế là không thầy cô nào chịu nhận cháu vào lớp mình."

Khi Sở Giáo Dục Tỉnh Hà Tây được hỏi về lý do con gái ông Khoa bị từ chối nhận học, Phó Giám Ðốc Phạm Thị Hồng Nga cho biết theo đúng tuyến học thì con gái ông Khoa không thể học trường Thường Tín, nơi ông xin. Bà nói, "Với trường THCS thị trấn Thường Tín, theo báo cáo của phòng giáo dục huyện thì trường được tuyển 30 chỉ tiêu học sinh 'trái tuyến' bổ sung vào tổng chỉ tiêu được giao do tuyển thiếu."

Bà cho biết thêm, con ông Khoa không thể được nhận vào trong nhóm các học sinh "trái tuyến" vì đã nộp đơn trễ, chỉ nhận đơn trong Tháng Bảy trong khi ông Khoa nộp đơn ngày 2 Tháng Tám.

Tuy nhiên, ông Khoa khẳng định ông đã nộp đơn đúng hạn, từ 25-7 ông đã nộp hồ sơ và họ đã nhận.

Ông cũng nêu vấn đề là: "Nếu ngay từ đầu mà trường đó không nhận cháu hoặc nói rõ điều kiện, thì tôi cũng không phải trách họ. Nhưng đến sáng 15 Tháng Tám họ mới nói lời từ chối khi các trường đều đã tuyển sinh xong, trường nào sẵn sàng nhận con tôi?". Ông nói thêm, "Mãi đến tận 15 Tháng Tám họ mới trả lại hồ sơ con tôi trong khi trường vẫn còn thừa tới 20 chỉ tiêu."

 

=END

 

- 15 Ngày Nữa Nguồn Ðiện Miền Trung Mới Sửa Chữa Xong

 

(Ðà Nẵng - VNN) Hôm qua, 20/8, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy phối hợp với Tổng Công ty Ðiện lực VN (EVN) đã bắt đầu tiến hành việc kiểm tra, giám định để làm rõ nguyên nhân dẫn tới vụ cháy máy biến điện tại trạm 500 KV Ðà Nẵng, xảy ra vào ngày 18/8/07 vừa qua.

Theo báo cáo sơ khởi, đám cháy bắt đầu từ pha B của máy biến điện AT2, thuộc trạm 500 KV Ðà Nẵng. Sau đó, lan rộng ra trạm biến điện cả khu vực này. Vì vậy, có thể nguyên nhân gây cháy là từ trong máy AT2. Theo Công ty Truyền tải Ðiện II, máy biến điện này được lắp đặt và đưa vào vận hành từ tháng 9/1994 để cung cấp điện cho 6 tỉnh miền Trung (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi).

Tháng 6, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy khi kiểm tra các thiết bị tại trạm biến điện 500 KV Ðà Nẵng cũng đã cảnh báo rằng thiết bị và hệ thống chữa cháy tự động tại chỗ của trạm biến điện này không bảo đảm vì quá cũ và yêu cầu EVN thay thế. Nhưng đến lúc xảy ra vụ cháy EVN vẫn chưa thay thế. Chính vì vậy, khi đám cháy bùng phát, hệ thống chữa cháy tại chỗ gần như bị tê liệt hoàn toàn.

Theo lãnh đạo Công ty Truyền tải Ðiện II, việc khôi phục hoạt động bình thường của trạm 500 KV Ðà Nẵng sẽ lâu hơn dự kiến trước đây khoảng 15 ngày. 7 tỉnh miền Trung vẫn đứng trước nguy cơ mất điện, nhất là trong trường hợp phụ tải tăng cao, do trạm 500 KV Ðà Nẵng vận hành chưa ổn định và thiếu máy biến áp dự phòng.

Cùng ngày, ông Hoàng Kim Vũ, Giám đốc Trung tâm Ðiều độ Hệ thống Ðiện miền Trung, cho biết, Tổng công ty điện lực VN cũng đã ra lệnh đấu nối lại hệ thống mạch vòng Nam - Bắc để bảo đảm điện cho toàn hệ thống 500 KV, nhằm cung cấp điện kịp thời cho các tỉnh khu vực miền Trung.

Theo đó, tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình sẽ lấy điện từ trạm biến điện 500 KV Hà Tĩnh. Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi sẽ tiếp tục được cung cấp điện từ máy biến điện AT1 (công suất 180 MW) của trạm biến điện 500 KV Ðà Nẵng và các tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên sẽ nhận điện từ trạm 5 220 KV Nha Trang.

Mức độ thiệt hại từ vụ cháy trạm biến điện 500 KV Ðà Nẵng ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng, chưa kể thiệt hại từ các doanh nghiệp. Hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Ðà Nẵng cũng đang làm đơn gửi ngành điện lực yêu cầu xem xét mức đền bù thiệt hại do việc cắt điện đột ngột từ vụ cháy trạm biến điện này.

 

 

*Quang cảng vụ cháy tại trạm biến điện 500kv Ðà Nẵng.

 

=END=

 

- Mỗi Năm CSVN Thất Thu 265 Triệu Ðôla Tiền Thuế Vì Thuốc Lá Lậu

 

(Hà Nội - VNN) Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho biết, mỗi năm có hơn 500 triệu bao thuốc lá nhập lậu qua các tuyến biên giới giáp với Trung Quốc, Lào, Cam Bốt, chiếm 10% thị phần trong nước.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Hùng Dũng cho biết, trong năm 2006, công an, hải quan, quản lý thị trường xử lý trên 1.700 vụ buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu với số lượng 4.897 triệu bao.

Tuy nhiên, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007, theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý thị trường, nhà chức trách đã thu giữ hơn 1,6 triệu bao, đa số là các loại thuốc 555, Hero, Jet, Mildseven...

Chính vì việc nhập và buôn bán thuốc lá lậu tràn lan này, Nhà nước CSVN đã thất thu một khoản thuế 265 triệu đôla mỗi năm.

 

*Thuốc lá lậu bán tràn lan khắp nước.

 

=END=

 

- Nhiều Cây Hoàng Ðàn Ở Hà Nội Ðang Là Mục Tiêu Của "Lâm Tặc Thành Phố"

 

(Hà Nội - VNN) Sự việc cây sưa (hoàng đàn) cổ thụ trong Công viên Ðống Ða bị ông trưởng ban quản lý công viên đem "cho" đám cửu vạn chưa kịp lắng xuống thì rạng sáng 20/8, một cây sưa khác ở đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) đã "không cánh mà bay"

Theo quan niệm của người Trung Hoa, gỗ sưa là loại cây trừ được tà ma, ám khí. Ðồ trang trí nội thất làm từ gỗ sưa luôn giữ được mùi thơm đặc biệt. Cây sưa đắt giá vì người Trung Quốc chuộng dùng bột gỗ hoàng đàn để tẩn liệm ướp xác.

Khi cây gỗ sưa đang lên cơn sốt trong thị trường cả nước thì những cây sưa trên đường phố Hà Nội trở thành mồi ngon của "lâm tặc đô thị". Từ ngày 4/8 đến 13/8, lần lượt 3 cây sưa trên đường Hùng Vương, đoạn giáp Nguyễn Thái Học, Công viên Thống Nhất, khu D6 tập thể Trung Tự đã bị chặt trộm.

Rạng sáng 20/8, thêm một cây gỗ sưa lại bị chặt hạ trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy). Hiện trường nơi cây sưa bị chặt chỉ còn lại phần ngọn, cành cây, lá cây và phần gốc có đường kính khoảng 25 cm. Phần thân ước tính dài gần 2 m đã bị kẻ gian mang đi. Theo nhân viên Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội, đây là giống cây sưa đỏ, khoảng 10 năm tuổi. Kẻ gian tỏ ra rất chuyên nghiệp khi cưa đứt từ trước 3/4 gốc cây và phần trên thân cây. Sau đó sẽ đốn hạ phần thân cây, cũng là phần có giá trị nhất.

Theo cơn sốt gỗ sưa lan từ Trung Quốc, những nơi có gỗ sưa trong cả nước đang rộ lên nạn chặt hạ, buôn bán hàng loạt cây sưa cổ thụ. Ðầu nậu thu mua gỗ sưa và vận chuyển về Từ Sơn (Bắc Ninh) sau đó tiếp tục đưa lên biên giới xuất lậu qua Trung Quốc.

Cuối tháng 5/2007, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát (Bình Ðịnh) đã bắt giữ một xe tải vận chuyển 1,83 tấn gỗ hoàng đàn và 252 khúc gỗ trắc. Giữa tháng 7, Ðội Kiểm lâm đặc nhiệm (Cục Kiểm lâm) phối hợp với Công an thị xã Sông Công và Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên cũng đã tạm giữ một xe tải khác với 17,5 tấn gỗ sưa bên trong.

Trước nạn buôn lậu và chặt trộm gỗ sưa đang hoành hành, Ban Chỉ đạo Phòng chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (gọi tắt là 127/TW) vừa có công văn gửi các địa phương và các bộ, ngành có liên quan yêu cầu bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra các khu vực có nguồn gỗ hoàng đàn. Các cửa khẩu, đường mòn, phương tiện vận chuyển trên đường sông đường biển, nhằm ngăn chặn triệt để mọi hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ hoàng đàn. Ðây là loại gỗ nghiêm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại.

Tại Hà Nội, nơi có nhiều sưa nhất là Công viên Bách Thảo với khoảng 100 cây. Ðường phố nhiều sưa nhất là đường Phan Ðình Phùng, 25 cây. Ðường Xuân Thủy có gần 30 cây sưa đỏ. Ðường Trần Hưng Ðạo 17 cây, đường Hoàng Hoa Thám 9 cây... Ðây là loại gỗ quý có giá cao trên thị trường nên đang bị lâm tặc săn lùng gắt gao.

 

 

*Một cây sưa ở Hà Nội đã bị biến mất.

 

=END=

 

- Các Tỉnh Miền Nam Khan Hiếm Nhân Công Thu Hoạch Lúa

 

(An Giang - VNN) Do thiếu lao động, giá nhân công thu hoạch lúa hè thu tại Ðồng bằng sông Cửu Long tăng liên tục. Những ngày qua, do tình hình mưa lũ ngập úng, ảnh hưởng nhiều đến việc thu hoạch càng khiến giá nhân công tăng nhanh.

Tại An Giang, Ðồng Tháp, giá công cắt từ 200.000 đồng, suốt 100.000 đồng, gom phơi 20.000 đồng mỗi công. Bên cạnh đó việc phơi lúa cũng đang gặp khó khăn, lượng máy sấy toàn vùng chỉ đáp ứng nhu cầu sấy khoảng 40% sản lượng lúa vụ hè thu nên tỉ lệ thất thoát trong thu hoạch khá cao.

Do dịch hại và thời tiết không thuận lợi, năm nay năng suất lúa vụ hè thu tại Ðồng bằng sông Cửu Long đạt thấp hơn mọi năm, trung bình 5 tấn mỗi ha, thậm chí nhiều cánh đồng chỉ đạt hơn 3 tấn; trong khi các chi phí đều tăng cao nên nông dân chỉ còn lời khoảng 4 triệu đồng mỗi hecta.

 

 

*Lúa chín vàng đồng mà thiếu người gặt.

 

=END=

 

- Lửa Thiêu Rụi 25 Nhà Dân Ở Khu Chương Dương Ðộ

 

(Hà Nội - VNN) Khoảng 10g30 sáng nay (21/8), một vụ cháy đã xảy ra tại dãy nhà tập thể khu Chương Dương (Ngõ 117 Vọng Hà), phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngọn lửa bốc lên dữ dội đã thiêu rụi ngôi nhà.

Ðám cháy xảy ra tại dãy nhà bên số lẻ, của khu tập thể. Khi xảy ra hỏa hoạn, đa số mọi người đều đi làm, chỉ có người già và trẻ em ở nhà, nhưng rất may là không có thiệt hại về người. Ngay khi mới xảy ra đám cháy, nhiều người dân sống gần đó đã sử dụng bình chữa cháy cá nhân để cố dập tắt đám cháy.

Tuy nhiên, do khu tập thể này là một dãy nhà 2 tầng với gần 30 căn hộ, hầu hết đều lợp bằng mái tôn, có một số căn được làm gỗ nên đám cháy bùng phát rất nhanh, khiến những người dân ở đây phải "cầu cứu" lực lượng cứu hỏa.

Mặc dù đã đưa tới hàng chục xe cứu hỏa liên tục đến chữa cháy, nối thành một hàng dài trên phố Chương Dương, nhưng do đám cháy xảy ra trong ngõ khiến đơn vị chữa cháy gặp khó khăn trong việc khắc chế ngọn lửa.

Theo một số cư dân, những người người thấy đám cháy đầu tiên là những công nhân ở bên xưởng sắt gần đó và họ đã báo ngay cho lực lượng chữa cháy cũng như cùng với một số người dân để dập tắt đám cháy ngay khi mới bùng phát. Chỉ trong khoảng 40 phút, ngọn lửa đã thiêu rụi dãy nhà gỗ trên tầng 2, một số căn hộ tầng 1 cũng bị ảnh hưởng bởi đám cháy. Ðến nay đã có khoảng 25 ngôi nhà bị cháy và nguyên nhân sơ khởi là do chập điện.

 

 

*Lực lượng chữa cháy đang nỗ lực dập tắt hỏa hoạn.

*Nhân viên cứu hỏa đang chữa cháy.

 

=END=

 

- Hà Nội Sẽ Có Thêm Nhiều Ðường Một Chiều

 

(Hà Nội - VNN) Tổ chức lại giao thông trong nội thành theo hướng có nhiều cặp đường 1 chiều; tổ chức lại các hướng rẽ phải không qua đèn điều khiển giao thông... Ðó là một vài giải pháp giao thông sẽ được nhà cầm quyền CSVN ở thành phố Hà Nội sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Cụ thể, thành phố này sẽ có việc phân làn ranh riêng cho xe hơi, xe máy trên những tuyến đường để giải tỏa tình trạng lưu thông hỗn hợp. Năm nay sẽ thử nghiệm ở 2 tuyến Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt; Giảng Võ - Láng Hạ.

Trên địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ðống Ða, Ba Ðình sẽ bố trí nhiều cặp đường 1 chiều, triển khai tuyến phố đi bộ Hàng Ðào - Hàng Ngang - Hàng Ðường - Ðồng Xuân.

Tại 7 quận nội thành, cũng sẽ được lắp đặt thêm đèn tín hiệu giao thông, hệ thống camera, đồng hồ đếm ngược ở các nút giao thông trọng điểm.

Việc chuyên chở hành khách công cộng vẫn tiếp tục được duy trì và mở rộng. Cầu vượt và hầm bộ hành tiếp tục được hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông cho người đi bộ.

Tuy nhiên lý thuyết là như thế nhưng vấn đề là ý thức người dân và trách nhiệm của nhà cầm quyền vẫn là những khó khăn không dễ cải sửa vì quán tính vô pháp và vô trách nhiệm vốn là bản chất của chế độ này.

 

=END=

 

- Chuyện Lạ Việt Nam: Người Phụ Nữ Với Mái Tóc Dài 1,5M Nặng 5 Kg

 

(Hà Tây - VNN) Một chuyện lạ về một mái tóc nặng 5kg và dài hơn 1,5m mà một người phụ nữ phải mang suốt hơn 17 năm nay vừa được đưa lên báo chí. Mái tóc ấy đã gây không ít phiền toái cho chị trong sinh hoạt cũng như trong cuộc mưu sinh hàng ngày.

Sự việc kỳ lạ xảy ra vào rạng ngày 15 Tháng Mười Hai năm 1990 (Âm lịch). Trong giấc ngủ, chị Phùng Thị Mậu (xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) nửa tỉnh nửa mơ, vừa chợp mắt một lúc, cơn mơ sảng lại ập về, khiến chị không ngủ được. Sáng hôm sau, chị tìm lược chải đầu, mái tóc chẳng như mọi khi mà cứ rối bời, càng chải càng khó gỡ, càng giật càng bết lại, từng chiếc răng lược bị tóc cuốn đến gãy.

Chị Mậu tìm cách chạy chữa. Ai nói gì chị cũng nghe theo, nào là đi tìm lá cây về gội, về tắm... Song, dù đã đun đến cả nghìn nồi lá mà mái tóc chị không thẳng, không duỗi ra được.

Bây giờ, nhìn mái tóc của chị Mậu như con trăn ngoằn ngoèo, lúc buộc túm lại nó lại như một chiếc gùi nhỏ vắt vẻo sau lưng. Có thể tưởng tượng đủ các hình thù kỳ dị bởi nó mọc không đều nhau chỗ to, chỗ nhỏ, màu tóc hung đỏ tựa như màu râu ngô.

Trước đây, hồi tóc mới bị kết, lúc tóc mọc dài ra chị Mậu lúc nào cũng nghe thấy tiếng nổ lách cách như than trong bếp lửa. Tiếng nổ ấy lúc nhỏ, lúc to tùy theo sức khỏe. Lúc đầu, chị không để ý, không hiểu tiếng kêu đó từ đâu, nhìn kỹ xung quanh, không thấy hiện tượng bất thường nào.

Sau gần 20 năm, mái tóc chị đã vượt ngưỡng 1,5m và nặng trên 5kg. Hàng ngày, chị vẫn tự mình gội đầu, không cần sự trợ giúp. Nhưng mỗi lần làm sạch mái tóc là một lần chị phải đánh vật với nó hàng tiếng đồng hồ.

Theo Báo Gia Ðình & Xã Hội cho biết, mái tóc kỳ quái không chỉ gây cho chị Mậu những phiền toái trong sinh hoạt mà ngay cả chuyện làm ăn cũng gây... ảnh hưởng ít nhiều. Trước đây, khi mái tóc của chị bắt đầu kết dính, mọi người đã lũ lượt đến chiêm ngưỡng... tác phẩm kỳ dị ấy. Khi đã thỏa chí tò mò thì mọi người lại thấy sợ. Nỗi sợ hãi ấy đã khiến mọi người suy diễn ra đủ chuyện quái gở. Những câu chuyện được thêu dệt ly kỳ ấy đã làm quầy hàng xáo của gia đình chị ngoài chợ ế ẩm. Chị kể, trước đây, với quầy hàng ấy, buôn bán lặt vặt gia đình chị cũng có đồng ra đồng vào. Bình thường, khách mua hàng khá đông, chị chỉ bán một lúc buổi sáng là hết. Rồi kể từ ngày mái tóc kết, chẳng ai mua hàng của chị nữa. Có hôm, ngồi từ sáng tới tối mịt cũng chẳng ai ngó ngàng, kể cả khách quen.

Trong họ hàng, ngoài chị Mậu và bà nội, không ai có hiện tượng tóc kết. Tuy nhiên, khác với tóc của chị, tóc kết của bà chị Mậu chỉ bé bằng ngón chân cái và dài đến thắt lưng. Ðến năm bà 83 tuổi, tự dưng tóc rụng, sau đó bà mất.

 

=END=

 

- Xã Hội CSVN: Tắm "Ôm" Ðang Phát Triển Ở Biển Sầm Sơn

 

(Hà Nội - VNN) Bài phóng sự trên báo chí mới đây đã mô tả dịch vụ "tắm ôm" đang phát triển ở biển Sầm Sơn hiện nay: Sau cú điện thoại của bà chủ quán, một cô gái nhí nhảnh trong bộ áo tắm hai dây liền mảnh xuất hiện. Giọng à ơi như hút hồn khách, bàn tay mềm mại chìa ra: "Anh đi tắm với em. Biển đêm nay lặng...".

Thành, ngồi trên chiếc xích lô lọng vàng, đỗ xịch bên khách, ngà ngà hơi men: "Anh đi giải sầu một chút. Sầm Sơn giá hạ bất ngờ. Lên xe đi em chở khuyến mại".

Thấy khách tần ngần, Thành tiếp tục gạ gẫm: "Khoái tắm tiên thì chở đến bãi tắm tiên. Qua dốc Ðộc Cước, tha hồ vùng vẫy, mặc sức nô đùa. Sợ xa, sợ tối thì tắm ôm, ngay bãi trước mặt".

Chưa kịp hỏi gì thêm, anh chàng đã thao thao bất tuyệt kể rằng giá một trăm nghìn đồng một giờ cho gái tắm cùng. Hai giờ, thì trăm rưỡi. Muốn thưởng thức nửa giờ thì tính sáu chục nghìn.

Thành kể rằng đêm trời mát như thế này chỉ tắm một tiếng đồng hồ là đủ. Lâu lâu đã có ông bị cảm, xoa dầu cạo gió ủ ấm mãi mới thoát hiểm. Ngâm nước vài chục phút lại dắt nhau lên bờ, mười nghìn một cái ghế bố rộng rãi hai người ngồi tâm sự. Ai không biết bơi thì thuê lốp ôtô (vỏ xe hơi), thả nổi trên mặt nước, hai người cứ đứng ở bên trong mà tắm...

Theo những dân cò ở đây, gái tắm "ôm" chỉ thua những cô chân dài, người mẫu. Tuổi chỉ trên dưới hai mươi, phần lớn là gái quê làm nghề "cải thiện".

Thấy khách xiêu lòng, Thành ra hiệu đi theo mình, chân dẫm xệu xạo trên cát rồi dừng lại ở quán trà đá bày trên những chiếc ghế nhựa lùn. "Bà bán nước này là hoa tiêu đấy", Thành nói.

Không cần đợi lâu, sau cú điện thoại bấm nhoay nhoáy trên tay bà chủ quán, một cô gái nhí nhảnh trong bộ áo tắm hai dây liền mảnh. Gương mặt chưa nhìn rõ, nhưng cái giọng à ơi thì như hút hồn khách bàn tay mềm mại chìa ra: "Anh đi tắm với em. Biển đêm nay lặng...".

Ra mép nước, trong biển vắng oàm oạp sóng vỗ, từng đôi, thậm chí từng nhóm, cứ một đàn ông, một đàn bà cầm tay nhau cười rúc rích. Họ khỏa nước bước sâu dần ra biển quánh đặc bầu trời đêm. Tiếng la lối và ho khụ khụ của kẻ bị sặc nước, cả lời than: "Em lạnh quá anh ơi!" hay "Quắp chặt thế này thì chết chìm cả đôi mất thôi"...

Hà, một cô gái tắm "ôm" tâm sự: "Cái nghề tắm ôm này chỉ làm thêm thôi, ban ngày em bán quầy báo lẻ trên vỉa hè. Có khách gọi thì đi, lấy tiền đỡ đần được mẹ và có thêm giấy bút cho hai đứa em cắp sách đến trường".

 

=END=

 

3- Tin Thế Giới 21-08-2007

 

- Ba Tây: Tổng Thống Lula Ðưa Ra Kế Hoạch Chống Bạo Ðộng

 

(Brasilia VNN) Hãng Reuters hôm 21-08 loan tin, hôm qua Tổng thổng thống Ba Tây Luiz Inacio Lula da Silva đưa ra kế hoạch chống bạo động với chi phi lên tới 3, 3 tỉ đô. Theo tổ chức Mỹ, Ibero-Americains về giáo dục, khoa học và văn hóa, với 45.000 người chết vì bạo động hàng năm, Ba Tây bị xếp vào hàng thứ tư các nước có tỉ lệ giết người tăng cao, chỉ sau Colombia, Nga và Venezuela. Tại Recif miền bắc Ba Tây, tỉ lệ giết người hàng năm là 80 trên 100.000 dân, tức 2 lần cao hơn tại các thành phố nhiều bạo động tại Mỹ. Trong một bài diễn văn đọc tại Brasilia, ông Lula nói: "Kế hoạch này không đủ để bù cho những bất công giúp sản sinh bạo động. Nhưng đề nghị này cho phép xử lý bạo động những thành phố một cách cứng rắn và chặt chẽ hơn". Cải thiện phẩm chất duy trì trật tự, tăng cường các chương trình xã hội và giáo dục và thiết lập thêm các nhà tù mới là những hướng lớn của kế hoạch do TT Lula đề ra. Hơn 400.000 thiếu niên, trong đó những đứa từng là cựu tù nhân sẽ được hưởng kế hoạch giáo dục và giúp tài chánh trong khuôn khổ chương trình chống bạo động. Có trên 160 nhà tù mới sẽ giúp giảm nhẹ mật độ giam giữ, và còn giúp giáo dục và tìm việc làm cho các tù nhân. Tội ác có tổ chức tại Ba Tây thường do tù nhân gây ra tại các nhà giam, như trường hợp xảy ra vào năm qua trong các cuộc bạo động thành phố chống cảnh sát ở Sao Paulo. Theo ông Rubem Cesar Fernandes, Giám đốc của tổ chức phi chánh phủ Viva Rio, thì nó tấn công chủ yếu vào bạo động. Vấn đề là quốc gia có đủ phương tiện để tiến hành kế hoạch.

 

Luiz Inácio Lula da Silva

* TT Ba Tây Luiz Inacio Lula da Silva.

 

=END=

 

- Nhiều Ðảo Xuất Hiện Trên Biển Arctic Do Tan Băng

 

(Ny Aalesund/Na-Uy - VNN) Hãng Reuters ngày 21-08 loan tin, hậu quả của sự tan băng trên biển Arctic khiến nhiều đảo chưa hề được biết đến xuất hiện trên mặt biển, do nhịp độ hâm nóng khí hậu nhanh hơn nhiều so với dự phóng của Liên Hiệp Quốc. Helen Bjoernoy, bộ trưởng Môi Sinh Na Uy tuyên bố đêm 20-08 trong cuộc họp thảo luận với các nhà khoa học, đã tuyên bố: "Sự tan băng và tuyết xảy ra theo nhịp độ báo động". Bà nói thêm: "Việc tăng tốc có thể nhanh hơn các dự phóng của nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu trong cuộc họp do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Theo Christopher Rapley, giám đốc British Antarctic Survey, "biển Arctic có thể là một biển băng tan tự do từ nay tới giữa thế kỷ". Việc này từng xảy ra. Sự suy giảm băng chung quanh đảo Svalbard đã nhô lên nhiều đảo không có trên bản đồ trước đây. Trong mùa hè này đã có hai đảo xuất hiện ở phía bắc Svalbard; những đảo khác mới xuất hiện ngoài khơi Groenland của Gia Nã Ðại.

 

* Băng tan đưa đến việc xuất hiện nhiều đảo trên biển Arctic vùng bắc cực.

 

=END=

 

- Mexico: Bán Ðảo Yucatan Hứng Chịu Bão Dean

 

(Tulum - VNN) Mắt bão Dean sáng sớm nay 21-08 đã ập vào bờ đông nam Mễ Tây Cơ, trong đêm qua nó được tăng cường sức mạnh biến thành bão cấp 5 có sức tàn phá khủng khiếp; tin này do Trung tâm Mỹ giám sát các cơn bão (NHC) loan báo được AP trích dẫn. Daniel Brown, một chuyên gia về bão của trung tân NHC, cho biết mắt bão đã vào bờ và các giới chức nỗ lực xác định đúng vị trí của nó gần thành phố Chetumal của Mễ. Bão Dean kéo theo cuồng phong lên tới 260 cây số/ giờ trong khi nó tiến vào bán đảo phía bắc giữa biên giới Mễ và Belize. Dean từng làm 12 người thiệt mạng trong vùng Carribeans, đã nhanh chóng tăng cường sức mạnh quét vào vùng duyên hải Janaique từ đảo Caymans, trở thành bão cấp 5 có khả năng gây ra thảm nạn tàn khốc. Dean đang nhanh chóng hướng tới các cơ sở dầu hỏa ở bán đảo Yucatan. Nhiều ngàn du khách đã nhanh chóng chạy khỏi bãi biển Riviera Maya, trong khi công ty dầu quốc gia của Mễ, Petroleo tuyên bố di tản 18.000 nhân viên trên các giàn khoan ở Vịnh Campêches, bao gồm giếng dầu hỏa lớn Cantarell. Hàng chục địa điểm lịch sử quan trọng trên Maya đã bị gió thổi bay, nhất là tất cả bảng hiệu và vật liệu bằng sắt cản gió bị Dean thổi bay mất. Tin giờ chót cho biết bão Dean sau khi tàn phá Yucatan đã giảm cường độ xuống cấp 3, nhưng nó đang hình thành sức mạnh tung hoành trong những giờ tới.

 

* Dean đang tiến vào Mexicô - hình chục từ vệ tinh.

 

=END=

 

- Hội Ðồng Bảo An Yêu Cầu Tổng Thư Ký LHQ Tăng Cường Lính Mũ Xanh Ðến Somali

 

(Liên Hiệp Quốc - VNN) Hãng AP loan tin sáng nay 21-08, hôm qua Hội Ðồng Bảo An đã yêu cầu Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cho phép gửi lực lượng Mũ Xanh tới Somalia trong 6 tháng để thay thế binh sĩ Liên hiệp châu Phi (UA) trách nhiệm từ tháng 2 năm 2006, để thiết lập an ninh tại nước này. Ðề nghị này nằm trong khuôn khổ một nghị quyết được Hội Ðồng Bảo An thông qua với đa số tuyệt đối đề nghị gửi lực lượng lính Mũ Xanh trong vòng 6 tháng thay thế lực lượng UA, và cũng yêu cầu Mỹ góp quân số. Tháng 2-2006 Hội Ðồng Bảo An đã kêu gọi 53 nước châu Phi gửi quân số 8.000 người. Nghị quyết cũng yêu cầu các nước thành viên khác của Liên Hiệp Quốc cung cấp tài chánh và hậu cần cho công tác duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Văn bản cho phép lực lượng UA bảo vệ các cơ chế chính phủ lâm thời, tham dự việc huấn luyện lực lượng an ninh và cổ xúy cho nỗ lực đối thoại hòa giải giữa các phía khác nhau của Somalia. Các toán quân đầu tiên đã tới Burundi từ ngày 23-03 năm ngoái. Tiếp theo Nigeria gửi 850 quân vào giữa tháng 4. Somalia không có chính phủ ổn định từ khi lật đổ nhà độc tài Mohamed Sias Barre vào năm 1991; cuộc nội chiến sau đó đã đẩy nước này vào vòng xoáy bạo động của một nước vùng sừng Phi châu với dân số khoảng 7 triệu người vào sự nghèo đói hơn. Binh sĩ chính phủ được Ethopia hậu thuẫn đã đẩy lùi các chiến binh hộ tộc hồi giáo vào tháng 12 năm ngoái, kiểm soát phần lớn lãnh thổ. Việc du kích hồi giáo rút lui cho phép chính phủ lâm thời được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn thiết lập tại Mogadishu. Nhưng bạo động tiếp tục đẩy nước này vào tình trạng vô chính phủ.

 

=END=

 

- Venezuela Muốn Làm Trung Gian Trao Ðổi Tù Nhân Giữa Farc Và Chính Phủ Colombia

 

(Caracas - VNN) Thân nhân các con tin bị du kích mác xít Colombia, có tên viết tắt là Farc, bắt cóc từ nhiều năm nay đã đến Caracas từ hôm 20-08 đề nghị Tổng thống Venezuela Hugo Chavez giúp làm trung gian thương thuyết trả tự do cho tù nhân hai phía. Gia đình các con tin yêu cầu gặp Tổng thống Venezuela để xin giúp đỡ làm trung gian giữa du kích Farc và chính phủ Colombia trao đổi tù nhân. Chavez tuyên bố khi đọc bài diễn văn trên truyền hình: "Tôi hy vọng làm được việc gì sau cuộc gặp hôm nay để tìm cách tiếp xúc với du kích Farc." Angela de Perez, vợ cựu Thượng nghị sĩ Luis Eladio Perez đã bị bắt cóc vào năm 2001 tuyên bố rằng bà và những thân nhân con tin khác lạc quan khi trao đổi với Tổng thống Hugo Chavez. Farc nổi lên đấu tranh võ trang từ trên 40 năm qua tìm cách lật đổ chính phủ Bogota. Farc có ý thức hệ giống như Chavez hiện nay, nhưng ông ta bác bỏ mọi liên hệ với du kích và đứng ngoài xung đột nội bộ của Colombia. Nhưng tuần qua Chavez đã có tiếp xúc với TNS Piedad Cordoba được Tổng thống Colombia Alvaro Uribe chọn để dễ dàng đàm phán trao đổi tù nhân. Farc hiện giữ hàng ngàn con tin, trong đó có 3 thường dân Mỹ và cựu ứng viên Tổng thống Ingrid Betancourt mang 2 quốc tịch Pháp-Colombia, bị du kích bắt cóc từ năm 2002 khi bà đi vận động bầu cử. Bà Ingrid chỉ được thấy mặt trong một cuốn video do Farc phổ biến lần đầu tiên vào năm 2003. Farc tuyên bố sẵn sàng trả tự do cho bà như các con tin khác khi cuộc thảo luận trao đổi có kết quả. Trong cuộc thảo luận hôm 19-08, Hugo Chavez nói Venezuela có thể được sử dụng như lãnh thổ trung lập để trả tự do cho các con tin và du kích đang bị chính phủ Bogota giam giữ.

 

*TT Venezuela Hugo Chavez tiếp thân nhân các con tin Colombia.

 

=END=

 

- Ấn Ðộ: Khủng Hoảng Chính Trị Do Hiệp Ước Hạt Nhân Với Mỹ

 

(Tân Ðề Ly - VNN) Hãng AFP loan ngày 21-08 loan tin, hiệp ước lịch sử hợp tác trong lãnh vực hạt nhân dân sự ký hồi tháng 7 giữa Ấn Ðộ và Hoa Kỳ trong những ngày qua đã làm dấy lên khủng hoảng chính trị tại Tân Ðề Ly. Người ta phản đối đảng Quốc Ðại cầm quyền liên minh với đảng Cộng sản, và ngay cả các đảng CS trong liên minh cũng phản đối chính phủ Manmohan Singh. Bốn đảng cánh tả tại quốc hội không tham dự chính phủ liên minh Thủ tướng Manmohan Singh, cảnh báo từ cuối tuần qua rằng "hậu quả sẽ trầm trọng" nếu hiệp ước Mỹ- Ấn được đưa ra áp dụng. Một cách rõ hơn, các đảng cộng sản đe dọa rút ủng hộ của họ và bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ thành lập vào tháng 5-2004. Các đài truyền hình bình luận có xác xuất bầu cử quốc hội trước thời hạn, mà lẽ ra chỉ diễn ra vào năm 2009. Các đảng cánh tả mác xít Ấn Ðộ đánh giá ký hiệp ước với Mỹ đưa tới mất chủ quyền, nhất là quyền thử nghiệm hạt nhân, từng xảy ra năm 1974 và 1998. Hiệp ước có điều khoản, "sẽ bị hủy bỏ nếu Ấn tiến hành các thử nghiệm nguyên tử mới". Thủ tướng Singh cho rằng việc hợp tác với Hoa Kỳ không thay đổi quyền của Ấn tiến hành các thử nghiệm hạt nhân mới nếu điều đó cần thiết. Thủ tướng Singh thuyết phục các đảng phản đối rằng hiệp ước "123" là một cơ may để nước khủng lồ Á châu nhận được nhiên liệu hạt nhân đáp ứng nhu cầu lớn lao về năng lượng. Hiệp ước được công bố năm 2005 và được Hoa Kỳ phê chuẩn năm 2006 và hoàn tất các thủ tục sau cùng vào tháng 7 vừa qua; hiệp ước về hạt nhân dân sự là viên đá cản đường tiến gần nhau giữa Tân Ðề Ly và Hoa Thịnh Ðốn kể từ sau những căng thẳng trong cuộc chiến tranh lạnh. Thỏa ước này nếu được quốc hội Mỹ thông qua sẽ cho phép Ấn Ðộ nhập cảng nhiên liệu hạt nhân, kỹ thuật và phản ứng hạt nhân dân sự của Mỹ lần đầu tiên từ 30 năm nay. Ðể đổi lại việc Tân Ðề Ly từ chối gia nhập hiệp ước không phổ biến hạt nhân (TNP), nước này sẽ cho phép các thanh tra cơ quan nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc (IAEA) giám sát các lò hạt nhân dân sự của Ấn. Nhưng các đảng cộng sản trong liên minh cầm quyền Ấn từ chối việc chính phủ bắt đầu thương lượng với IAEA thiết lập chương trình vào giữa tháng 9 không thể thiếu trong việc áp dụng hiệp ước. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Nicholas Burns, cuối tuần qua đã kêu gọi rằng hiệp ước phải được thông qua bằng mọi cách. Ông Burns xác nhận chính phủ Mỹ và Ấn không ai muốn thảo luận lại thỏa ước đã được thảo luận kỹ lưỡng mất nhiều công sức trong thời gian qua.

 

Crise politique en Inde à cause de l'accord sur le nucléaire avec les USA

* Thành viên đảng CS Ấn biểu tình phản đối hiệp ước hạt nhân Mỹ-Ấn.

 

=END=

 

- Syria Kêu Gọi Iraq Thiết Lập Lịch Trình Rút Quân Ngoại Quốc

 

(Damascus - VNN) Nhân dịp tiếp Thủ tướng Iraq Nouiri AlMaliki viếng thăm, Syria kêu gọi Baghdad chuẩn bị một lịch trình rút quân ngoại quốc khỏi nước này. Thủ tướng Syria Naji Ottri trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng alMaliki yêu cầu hợp tác giúp ổn định tình hình an ninh Iraq; tuyên bố trên được ngầm hiểu là điều kiện của Damascus đưa ra. Ngoài ra Ottri còn lên án liên minh do Mỹ cầm đầu trách nhiệm làm tình hình an ninh Iraq suy thoái. Theo Naji Ottri, sự hiện diện của lực lượng chiếm đóng Iraq làm tăng sự chống đối dấy lên vòng xoáy bạo động. Lãnh đạo chính phủ Syria còn nhận định rằng thiết lập lịch trình rút lực lượng ngoại quốc làm tăng cơ may hòa giải quốc gia. Tuyên bố này như là cách Ottri gián tiếp thừa nhận họ không kiểm soát biên giới đủ để các chiến binh ngoại quốc xâm nhập Iraq mà Mỹ nhiều lần lên án Damascus. Chuyến viếng thăm Syria của Thủ tướng Iraq còn nhằm tăng cường hợp tác an ninh, kinh tế và quan hệ ngoại giao. Tháp tùng Thủ tướng AlMaliki có nhiều bộ trưởng, trong đó có bộ Nội vụ, Thương mãi và Dầu hỏa. Lãnh đạo chính phủ Iraq sẽ tiếp xúc với Tổng thống Bachar el Assad và ký nhiều hiệp ước song phương.

 

=END=

 

- Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Kêu Gọi Quân Ðội Không Nên Dính Líu Ðến Chính Trị

 

(Ankara - VNN) Hãng Reuters hôm nay 21-08 loan tin, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi quân đội không nên dính líu đến chính trị. Kêu gọi được đưa ra trước vòng 2 bầu cử Tổng thống dự trù diễn ra ngày 31-08 tới. Trong cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống kế nhiệm Tổng thống Nedect Sezez mãn nhiệm, ứng viên của đảng cầm quyền Abdullah Gul không nhận được đa số 2 phần 3 để đắc cử trực tiếp ngay vòng đầu trong cuộc bỏ phiếu của các dân biểu diễn ra hôm 20-08. Vòng 2 sẽ diễn ra vào ngày 31 tới cũng trong điều kiện như vòng 1. Trong trường hợp thất bại lần nữa, vòng 3 sẽ được tổ chức và chỉ định Tổng thống mới với đa số tương đối. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò bảo vệ truyền thống thể chế thế tục, phản đối ông Gul có xu hướng hồi giáo ngồi ghế Tổng thống. Hồi tháng 4, quân đội và phe chống đối đã vô hiệu hóa lần đầu bầu Tổng thống và đã tẩy chay ứng viên Gul. Thủ tướng Erdogan đã giải tán quốc hội bầu lại trước thời hạn hồi tháng 7. Ðảng Công lý và Phát triển AKP chiến 47% phiếu bầu thắng lớn và cho rằng việc ông Gul ngồi vào ghế Tổng thống là đương nhiên. Nói trên đài truyền hình Kanam D tối qua 20-08, ông Erdogan tuyên bố: "Ðừng trộn lộn quân đội Thổ và chính trị. Hãy ở đúng vị trí. Các cơ chế đất nước vận hành đúng và tôn trọng hiến pháp". Ngoại trưởng Gul 56 tuổi chỉ nhận được 341 phiếu trên 550 đại biểu. Nếu vòng 2 không thành công, cuộc bỏ phiếu vòng 3 sẽ mở ra vào ngày 28-08, lúc đó ông Gul tin chắc sẽ thắng cử trước các ứng viên đối lập chỉ với đa số đơn giản.

 

* Cặp bài trùng Erdogan và Gul của đảng cầm quyền Thổ.

 

=END=

 

- Chính Phủ Tân Tây Lan Ðiều Tra Về Quần Áo Trung Quốc Gây Nguy Hiểm

 

(Wellington - VNN) Chính phủ Tân Tây Lam hôm 21-08 loan báo mở cuộc điều tra về quần áo nhập cảng từ Trung Quốc và một số nước khác có hóa chất gây nguy hiểm cao. Hóa chất tẩm vào vải trước khi may thành quần áo xuất cảng của Trung Quốc có hàm lượng phóoc-môn cao dùng chống ẩm mốc, có thể gây dị ứng cho người mặc. Bộ Tiêu Thụ Tân Tây Lan mở điều tra sau khi một phóng sự phổ biến trên truyền hình được Reuters trích dẫn, xác nhận rằng hàng vải, len và chỉ sợi đến từ Trung Quốc có chứa hàm lượng hóa chất 900 lần cao hơn mức ấn định bởi Tổ chức Mậu Dịch thế giới (WTO). Tổng giám đốc bộ Tiêu thụ Elizabeth MacPherson nói: "Chúng tôi rất lo ngại về vấn đề này, nếu kết quả điều tra xác nhận, chúng tôi sẽ lấy các biện pháp thích ứng nhanh chóng". Ngoài ra, nhóm phân phối chính của Tân Tây Lan "The Warehouse Group" loan báo, sẽ tạm thời rút khỏi các kệ hàng đồ pajamas do Trung Quốc sản xuất sau khi xảy ra hai tai nạn; quần áo này rất dễ phát lửa khi gần lửa. Công ty đang chờ đợi kết quả thử nghiệm. Vấn đề an ninh của những sản phẩm "Made in China" đã được tung ra hàng loạt vụ mới đây, từ thực phẩm làm chết gia súc, đồ ăn và đồ chơi có độc, trong đó có quyết định của tập đoàn Mattel, hãng bán đồ chơi số 1 thế giới của Mỹ, rút 18 triệu đồ chơi nhập từ Trung Quốc đã tung ra thị trường.

 

* Tân Tây Lan điều tra hàng vài nhập từ Trung Quốc có chất độc.

 

=END=

 

- Trung Quốc Trả Tự Do Cho Nhà Dân Chủ Dương Kiến Lập Sau 5 Năm Tù

 

(Boston - VNN) Một học giả và nhà hoạt động Dân chủ Trung Quốc, Dương Kiến Lập có qui chế thường trú ở Mỹ đã trở về Mỹ sau khi thụ án 5 năm tù tại Trung Quốc về tội nhập cảnh bất hợp pháp và hoạt động gián điệp cho Ðài Loan. Các bạn ông Dương cho phóng viên đài VOA biết ông đã lên phi cơ về Mỹ vào cuối tuần trước. Thân mẫu ông Dương cho biết ông đã về tới Boston vào ngày 18-08 tuần qua; cùng đi với ông có một nhà ngoại giao Mỹ làm việc tại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Ông Dương Kiến Lập từng là một sinh viên biểu tình tại quản trường Thiên an Môn năm 1989, đang có qui chế thường trú tại Mỹ. Năm ngoái 100 nhà lập pháp Mỹ đã gửi một lá thư chung lên Tổng thống George W. Bush yêu cầu vận động với chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào trả tự do cho ông Dương Kiến Lập. Trong thời gian bị giam cầm, ông Dương đã bị đối xử tàn bạo làm cho ông suýt chết trong tù. Theo tin từ gia đình, ông Dương Kiến Lập sẽ có một buổi họp báo tại Hoa Thịnh Ðốn trong ngày hôm nay 21-08.

 

Yang Jiangli

* Nhà dân chủ Dương Kiến Lập vừa về từ nhà tù Trung Quốc.

 

=END=

 

- Iraq: Chính Quyền Shiite Ðưa 15 Cộng Sự Viên Của Nhà Cựu Ðộc Tài Saddam Hussein Ra Xử

 

(Baghdad - VNN) Theo tin Reuters, Toà án Tối cao Iraq sắp mở phiên xử 15 cộng sự của nhà cựu độc tài Saddam Hussein, với các tội danh đàn áp cuộc nổi dậy của người Shiite sau khi cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991 kết thúc. Phiên tòa thứ 3 xử tội các lãnh đạo chế độ Saddam Hussein; lần này cũng có người em họ của Saddam là Ali Hassan al-Majid, còn được biết đến là "Ali Hoá học". Ông này mới đây đã bị tuyên án tử hình vì tội sát hại tập thể cộng đồng người Kurd. Người ta không biết chính xác số người bị tàn sát, chỉ ước lượng vào khoảng hàng chục ngàn người bị chôn trong các nấm mồ tập thể được phát giác sau khi quân đội Mỹ lật đổ chế độ Saddam. Một phon trào nổi dậy chống Saddam Hussein hình thành sau khi quân đội Mỹ đánh bật quân đội Iraq chiếm đóng Kuwait. Chế độ Saddam đã thẳng tay đàn áp cộng đồng sắc tộc Shiite nổi dậy. Saddam Hussein bị hành quyết ngày 30-12 vì tội tán sát 148 người Shiite tại làng Dujail.

 

Ali Hoá học cũng phải ra hầu toà lần này.

* Ali hóa học ra tòa trong các phiên xử năm 2006.

 

=END=

 

**********************************

 
 
 
Home Page
 
 
 
Tài Liệu
 
Tài liệu
Tài liệu Lưu trữ
Tin tức Lưu trữ
Nguyễn Quang Duy